Những Sáng kiến mang thương hiệu “Làng Đại học Thủ Đức”

Nhiều năm trở lại đây, Khu “làng Đại học Thủ Đức” tại phường Linh Trung, Q. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh nổi tiếng với những sáng kiến mang thương hiệu sinh viên… Ban đầu từ một nhóm nhỏ, càng về sau càng được các bạn sinh viên hưởng ứng, tạo thành phong trào lành mạnh tại mỗi trường đại học, có sức lan tỏa tích cực.

Đội thanh niên xung kích phòng chống rải đinh đang thử nghiệm rà đinh
tại làng Đại học Thủ Đức. (Ảnh: Hồng Phúc).

Vừa giúp nhau, vừa tăng thêm thu nhập

Xuất phát từ việc các bạn sinh viên phải vượt quãng đường khá xa từ Kí túc xá (KTX) ĐHQG TP HCM để đến trường, trong khi đa phần các bạn ở các tỉnh xa về trọ học, gia cảnh khó khăn. Nhiều sinh viên phải đi học vào buổi đêm, thường xuyên phải đối diện với nạn trộm cướp hoành hành tại khu làng đại học. Nguyễn Văn Hiếu (sinh viên ĐH Công nghệ Thông tin TP HCM) nghĩ ra sáng kiến lập “đội xe ôm soát ca”, với cước phí rất “sinh viên” là 4.000 đồng/km. Hiếu vận động các bạn cùng khoa tham gia với mình, tranh thủ thời gian rảnh rỗi để chuyên đưa đón các bạn sinh viên tại làng Đại học.

Không ngờ tiếng lành đồn xa, ngay khi lập được một nhóm “xe ôm 4.000 đồng/km”, nhóm của Hiếu đã nhận được thêm nhiều “đặt hàng” của các bạn sinh viên từ nhiều trường trong làng Đại học.

Cho đến nay, thương hiệu “đội xe ôm 4.000 đồng/km” hay đội “xe ôm soát ca” đã trở thành dịch vụ tin tưởng để các bạn sinh viên trong làng đại học lựa chọn. Đội cũng nhanh chóng đón nhận thêm nhiều thành viên mới, vừa đáp ứng nhu cầu kiếm thêm thu nhập cho các bạn, vừa hỗ trợ các bạn sinh viên trong làng đại học yên tâm hơn khi đi học vào buổi tối.

Không chỉ là những sáng kiến giúp đỡ lẫn nhau vừa học vừa làm, tại làng Đại học Thủ Đức có một lớp học tình thương do “ông bà Tư” và các sinh viên tình nguyện thuộc ĐHQG TP HCM tổ chức. Lớp học chỉ thu 15.000 đồng mỗi tháng của con em các gia đình khó khăn trên địa bàn làng Đại học, số tiền cũng chỉ đủ đóng tiền điện, nước, mua bút, tập cho học trò. Quỳnh Như, sinh viên trường ĐH KHXH&NV TP HCM tình nguyện tham gia lớp học cùng “ông bà Tư” cho biết, từ khi nghỉ hưu, “ông bà Tư” (ông Huỳnh Văn Phê và bà Nguyễn Thị Lành) đã dành phần lớn thời gian đứng lớp. Phần vì phụ huynh của các em đa phần là dân tứ xứ xa quê vào TP HCM làm ăn, ai cũng khó khăn, không đủ điều kiện đưa con em đến lớp. Sau này, có sự tham gia của các bạn sinh viên tình nguyện ĐHQG TP HCM, lớp học được tổ chức đều đặn mỗi sáng thứ hai đến thứ 6, với hơn 60 học trò nghèo.

Cho đến nay, các sinh viên trong Đội Công tác xã hội thuộc ĐHQG TP HCM đã tham gia đều đặn các tiết học, dạy phụ “ông bà Tư”. Lớp học đã được Bộ GD-ĐT tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, giải tình nguyện quốc gia do Trung ương Đoàn trao tặng, cùng nhiều giấy khen, bằng khen do ngành giáo dục TP HCM và tỉnh Bình Dương ghi nhận và trao tặng.

Sáng kiến “Vì cộng đồng”

Không chỉ là các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng, tại làng Đại học Thủ Đức còn có nhiều sáng kiến phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Trong đó, từ năm 2014, sáng kiến thưởng 3 triệu đồng/vụ cho sinh viên, người dân quanh khu vực bắt cướp cũng được Trung tâm quản lý và phát triển khu đô thị ĐHQG TP HCM  duy trì thành phong trào sâu rộng. Ý tưởng xuất phái từ việc nạn trộm cướp có dấu hiệu ngày càng táo tợn, hoành hành tại khu làng Đại học Thủ Đức. Với quy mô gần 640 ha, có khoảng 4.000 – 5.000 dân sống xen kẽ trong khu làng Đại học khiến “làng Đại học” trở thành nơi lý tưởng để tội phạm dạt về. Hầu như tuần nào tại khu vực cũng xảy ra các vụ trộm cắp, cướp giật tại cung đường từ Ngã 3 Đại cương vào khu KTX sinh viên ĐHQG TP HCM.

Xuất phát từ thực tế trên, từ năm 2014, mức thưởng được duy trì 3 triệu đồng cho người bắt được 1 kẻ cướp giật; thưởng 2 triệu đồng cho người bắt được một đối tượng trộm cắp xe máy trong khu đô thị ĐHQG TP.HCM. Ngoài phần thưởng bằng tiền thì những “hiệp sĩ” bắt cướp cũng sẽ được khích lệ bằng các hình thức khác nhau, tùy theo thông tin, tính chất mỗi vụ việc. Gần đây, trường hợp sinh viên Thành Long (sinh viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP HCM) và anh Lê Tuấn Anh (nhân viên khu dịch vụ công cộng tại khu đô thị ĐHQG TP HCM) đã được Trung tâm tổ chức khen thưởng nhờ dũng cảm tham gia bắt đối tượng cướp giật xe máy trong khu đô thị.

Sinh viên tại làng Đại học Thủ Đức cũng nghĩ ra ý tưởng lập “đội vá xe di động” để giúp đỡ nhau khi trở thành nạn nhân của “đinh tặc”. Huỳnh Quang Huy (21 tuổi, sinh viên Đại học KHXH&NV TP HCM) chia sẻ, do là khu có nhiều sinh viên đến trọ học, lượng xe cộ đi lại thường xuyên nên các đối tượng “đinh tặc” lợi dụng đến rải đinh và mảnh kim loại sắc nhọn để “móc túi” người dân, sinh viên bằng cách thu tiền vá xe, thay vỏ ruột xe giá “cắt cổ”. Không muốn bạn bè trở thành nạn nhân của “đinh tặc”, Huy đã rủ thêm các bạn sinh viên trong trường lập nhóm vá xe di động. Khi có người xui rủi bị lủng xe do đinh tặc, các thành viên nhanh chóng có mặt tại hiện trường để trợ giúp, với mức phí “vừa túi tiền” sinh viên.

Với nhiều những sáng kiến hữu ích vì cộng đồng, có những sáng kiến là tiền đề để địa phương nhân rộng mô hình, triển khai thành phong trào, “làng Đại học Thủ Đức” đã trở thành địa danh quen thuộc đối với sinh viên và người dân trên địa bàn…

Lê Anh

(Nguồn: Website http://daidoanket.vn/tin-tuc/khoa-hoc/nhung-sang-kien-mang-thuong-hieu-lang-dai-hoc-thu-duc-358378).

Những Sáng kiến mang thương hiệu “Làng Đại học Thủ Đức”