Giải thưởng “Tạ Quang Bửu” Năm 2017: Hai nhà khoa học được vinh danh

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Chu Ngọc Anh vừa phê duyệt trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 cho hai nhà khoa học là PGS.TS Nguyễn Sum, ĐH Quy Nhơn (lĩnh vực toán học) và GS.TS Phan Thanh Sơn Nam, ĐH Bách Khoa, ĐH Quốc gia TP HCM (lĩnh vực hóa học).

Đây là năm đầu tiên giải thưởng “rời xa” Hà Nội, trung tâm lớn nhất của cả nước về nghiên cứu cơ bản.

Hướng dẫn thực hành trên máy tại  Khoa Y – Dược Trường Đại học Tây Nguyên.

PGS.TS Nguyễn Sum được trao giải thưởng cho công trình “On the Peterson hit problem”. Đây là một bài báo dài 57 trang được công bố năm 2015 trên một trong những tạp chí toán học hàng đầu trên thế giới.

Công trình này nghiên cứu về tô-pô đại số, được rút gọn từ một ấn phẩm 240 trang. Điểm mới của công trình là đã giải quyết được một trường hợp đặc biệt (k=4) của giả thuyết “hit” do nhà toán học người Mỹ Frank Peterson đề xuất cách đây 30 năm. Đây là một bước tiến mới trong việc giải quyết giả thuyết Peterson kể từ năm 1990.

Qua quá trình nghiên cứu miệt mài trong suốt 7 năm, PGS.TS Nguyễn Sum đã tìm ra được câu trả lời cho giả thuyết “hit” là một bài toán mở rất khó chưa có lời giải trọn vẹn trong lĩnh vực tô-pô đại số.

PGS.TS Nguyễn Sum có thể nói là trường hợp điển hình cho những nhà khoa học không chạy theo số lượng công bố công trình khoa học (số bài báo đã được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín) mà kiên trì theo đuổi một bài toán phức tạp.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực bền bỉ của một nhà khoa học làm việc với tất cả đam mê và kiên trì không mệt mỏi.

Công trình thứ hai được vinh danh năm nay là “Propargylamine synthesis via sequential methylation and C-H functionalization of N-methylanilines and terminal alkynes under metal-organic-framework Cu2(BDC)2(DABCO) catalysis”do 5 tác giả cùng thực hiện.

Công trình thuộc lĩnh vực Hóa học kỹ thuật nghiên cứu ứng dụng vật liệu khung hữu cơ – kim loại (MOFs) làm chất xúc tác cho các ứng tổng hợp các hợp chất hữu cơ họ propargylamine.

Điểm đặc biệt của công trình này là đã phát hiện ra một chuyển hóa của N-methilaniline chưa từng được công bố. Bài báo này được các nhà chuyên môn trên thế giới rất quan tâm với 21 lần trích dẫn.

Với vai trò là tác giả chính, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam đã xuất sắc giành được đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu đầu tiên của ngành Hóa học. Ông cũng đồng thời đang lãnh đạo một nhóm nghiên cứu ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM với thành tích công bố được 48 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế ISI theo hướng nghiên cứu trên.

Theo GS Đinh Dũng- Phó Chủ tịch Hội đồng giải thưởng, 2 công trình năm nay đều được thực hiện hoàn toàn ở Việt Nam, hoàn toàn không có yếu tố nước ngoài. Điều này chứng tỏ nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên ở nước ta đang tiến nhanh trên con đường để đạt trình độ quốc tế.

Trước đó, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia Cơ quan Thường trực của Giải thưởng đã tiếp nhận 30 hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017.

Số lượng hồ sơ đăng ký tham gia giải thưởng năm nay có tỷ lệ nhà khoa học trẻ (không quá 35 tuổi) và nhà khoa học nữ tăng lên so với các năm trước, đạt 17% nhà khoa học nữ và 33% nhà khoa học trẻ.

Các Hội đồng Khoa học chuyên ngành của Quỹ đã họp đánh giá các hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng và đề cử 4 hồ sơ lên Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017, trong đó đề cử 3 Giải thưởng chính và một Giải thưởng nhà khoa trẻ là tác giả của công trình khoa học xuất sắc.

Lễ trao giải dự kiến sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, tại Hà Nội.

Thu Hương

(Nguồn: Website http://daidoanket.vn/tin-tuc/khoa-hoc/giai-thuong-ta-quang-buu-nam-2017-2-nha-khoa-hoc-duoc-vinh-danh-365378).

Giải thưởng “Tạ Quang Bửu” Năm 2017: Hai nhà khoa học được vinh danh