Mặt Trời nhân tạo lớn nhất thế giới

Giới khoa học ở Đức mới đây đã khiến thế giới bất ngờ khi công bố “Mặt Trời nhân tạo lớn nhất thế giới” mà họ chế tạo ra, có khả năng tạo nhiệt lượng cực lớn đủ để nung chảy kim loại và nướng chín các vật thể sống nếu tiếp cận.

Thiết bị được hợp thành từ 149 bóng đèn Xenon hồ quang ngắn. (Nguồn: OddCentral).

Mặt Trời nhân tạo này là một thiết bị được hợp thành từ 149 bóng đèn Xenon hồ quang ngắn, có khả năng tạo nên lượng bức xạ Mặt Trời lớn gấp 10.000 lần so với lượng mà Trái Đất nhận được từ Mặt Trời thật.

May mắn thay, các nhà khoa học không có kế hoạch sử dụng thiết bị siêu mạnh có tên “Synlight” này để nướng chín vật thể sống, mà tỏ ra rất thận trọng khi không cho người ta tiếp xúc với nó khi bật thiết bị. Thay vào đó, họ hy vọng rằng thiết bị sẽ giúp họ khám phá ra nhiều cách thức mới trong việc sản sinh ra các loại nhiên liệu thân thiện với môi trường, như khí Hydro.

Các nhà khoa học tại DLR, một Trung tâm nghiên cứu Không gian của Đức tin rằng, họ có thể sử dụng các tấm gương có thể điều chỉnh góc độ để tập trung ánh sáng mặt trời vào một điểm cực nóng để tạo nên phản ứng cao năng lượng, nơi mà khí Hydro được triết xuất từ quá trình bốc hơi nước. Không may thay, họ không biết làm cách nào để thực hiện điều đó, vậy nên họ đã chế tạo Synlight để giúp thực hiện thí nghiệm trên trong một phòng thí nghiệm nhỏ.

Khi một tổ hợp gồm 149 đèn Xenon hồ quang ngắn được bật lên và tập trung vào một điểm hình vuông có kích thường 20×20 cm, nó tạo ra một lượng bức xạ mặt trời lớn gấp 10.000 lần mà bề mặt Trái Đất tiếp nhận từ Mặt Trời thật, và nhiệt độ ở điểm được chiến lên tới 3.000 độ C.

Được biết Synight sử dụng cùng loại bóng đen Xenon hồ quang ngắn thường được dùng trong các rạp chiếu bóng để mô phỏng ánh sáng mặt trời. Nhưng một rạp chiếu bóng cỡ lớn cũng chỉ cần dùng một bóng đèn loại này là đủ, trong khi thiết bị trên dùng tới 149 bóng đèn, và tất cả ánh sáng của chúng chỉ tập trung vào một diện tích nhỏ hình vuông.

Mục đích của thiết bị chính là tạo ra khí Hydro. Hydro là loại khí phổ biến nhất trong vũ trụ, tuy nhiên khí Hydro tinh khiết lại đặc biệt hiếm trên Trái Đất, bởi vậy DLR hy vọng rằng sử dụng “Mặt Trời nhân tạo” của họ sẽ là phương pháp đỡ tiêu tốn nhất để sản xuất thêm loại khí này. Nếu thành công, các nhà khoa học có thể sẽ áp dụng thiết bị này vào sản xuất năng lượng cho các hộ gia đình.

Giới khoa học từ lâu đã cố gắng tạo ra nhiên liệu Hydro theo cách đỡ tiêu tốn nhất, nhưng tất cả các nỗ lực đó tính đến nay – gồm quang hợp nhân tạo, điện phân nước biển, các phản ứng sinh hóa… – đều đã thất bại. Và giờ là lúc để họ thử nghiệm với Mặt Trời, ít nhất là Mặt Trời nhân tạo.

Hydro được giới khoa học xem như nguồn năng lượng của tương lai bởi nó được đốt cháy mà không hề sản sinh ra khí độc CO2. Bởi vậy, việc các nhà khoa học ở DLr bỏ ra khoản chi phí 3,5 triệu Euro cùng 2 năm ròng để tìm cách sản sinh ra loại khí này vẫn được xem là quá rẻ.

Duy Long

(Nguồn: Website http://daidoanket.vn/tin-tuc/khoa-hoc/mat-troi-nhan-tao-lon-nhat-the-gioi-362858).

Mặt Trời nhân tạo lớn nhất thế giới