Áp dụng công nghệ khoa học về rừng: Tăng hiệu quả quản lý và minh bạch

Theo báo cáo của Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT), nếu như độ che phủ rừng năm 1990 chỉ đạt 27,8% đến năm 2010 đã đạt 39,5% và 2015 đạt 40,43%. Tuy mật độ che phủ rừng tăng trưởng theo năm song một nửa diện tích rừng tăng lên lại là rừng trồng và rừng phục hồi có giá trị đa dạng sinh học không cao.

Đó là chưa kể đến diện tích rừng bị chặt phá đã xấp xỉ 7.000 ha riêng năm 2011, và cháy rừng hơn 3.000 ha riêng năm 2014.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, cần đưa thông tin hàng triệu lô rừng của Việt Nam lên mạng internet sẽ hỗ trợ đắc lực cho ngành lâm nghiệp, Bộ TNMT trong quản lý rừng, thực thi lâm luật, thương mại lâm sản và triển khai các hoạt động về giảm thiểu khí nhà kính do phá rừng, mất rừng.

Cụ thể, các dữ liệu tài nguyên rừng sẽ được tích hợp vào máy chủ. Thông tin của 8,5 triệu lô rừng của hơn 1.1 triệu chủ rừng trên cả nước, cùng với dữ liệu từ các chu kỳ điều tra lâm nghiệp sẽ là cơ sở để quản lý.

Đến thời điểm này, theo số liệu tổng hợp đã có hơn 800.000 chủ rừng ở 40 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được cập nhật trong hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng Việt Nam.

Dự kiến đến tháng 6/2017, công việc này sẽ hoàn thành. Nhiều bộ dữ liệu về tài nguyên rừng ở cấp quốc gia và cấp địa phương có thể được tích hợp tùy theo nhu cầu của người dùng và độ sẵn có của dữ liệu.

Để theo dõi diễn biến rừng hàng năm, hiện nay Tổng cục Lâm nghiệp đang phát triển một phần mềm, khi bất cứ một diện tích rừng nào đã được khai thác, cơ sở báo cáo lên cơ quan kiểm lâm địa bàn, đơn vị này sẽ báo cáo lên kiểm lâm huyện, đơn vị hoàn toàn có thể điều chỉnh được dữ liệu trên hệ thống.

Để làm được việc này, ngành lâm nghiệp đã đào tạo gần 1.000 cán bộ kiểm lâm cập nhật các diễn biến về rừng và đến hết năm 2018 sẽ tăng lên khoảng 2.000 người tại 500 huyện trên cả nước.

Hệ thống phần mềm này do Phần Lan – quốc gia có nhiều rừng nhất ở châu Âu hỗ trợ. Việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại đã giúp Phần Lan giảm khoảng 60 – 70% chi phí điều tra rừng so với phương pháp thủ công. Với Việt Nam, áp dụng công nghệ khoa học sẽ tăng thêm sự minh bạch trong theo dõi diễn biến rừng tại Việt Nam.

Bộ dữ liệu tài nguyên rừng trung tâm sẽ bao gồm Dữ liệu về Điều tra kiểm kê rừng toàn quốc (2013 – 2016), đang được tích hợp dần vào cơ sở dữ liệu trước 2017; Dữ liệu diễn biến rừng và đất lâm nghiệp cập nhật; Dữ liệu về điều tra rừng từ các chu kỳ trước đây trong cá năm 1990,1995, 2000, 2005 và 2010; Bản đồ hiện trạng rừng 2007; Bản đồ chức năng rừng 2007.

Tuấn Việt

(Nguồn: Website http://daidoanket.vn/tin-tuc/khoa-hoc/ap-dung-cong-nghe-khoa-hoc-ve-rung-tang-hieu-qua-quan-ly-va-minh-bach-361687).

Áp dụng công nghệ khoa học về rừng: Tăng hiệu quả quản lý và minh bạch